ANAHEIM, California (NV) – Sơn Nam viết những truyện về miền đất mới khai phá, đất phương Nam, bằng những phong tục tập quán, cuộc sống dân dã của những người dân ở đó.
Với tôi, tập truyện “Hương Rừng Cà Mau” của ông là một tập truyện đặc sắc, một tập truyện tiêu biểu nhất của Sơn Nam.
Kể về những nhà văn miền Nam, có thể bắt đầu bằng những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ông đốc phủ sứ này có số lượng tác phẩm khá đồ sộ, khoảng trên dưới hai ba chục cuốn. Trong lúc chữ quốc ngữ mới phôi thai, viết những chuyện tình ở xã hội miền Nam thời Pháp thuộc như Hồ Biểu Chánh thật là quá hay, đã làm nhiều người đọc mê mẩn đến rơi nước mắt. Đó là những chuyện về người nghèo, về những hương chức thôn xã, về cảnh cường hào ác bá nông thôn.
Rồi tiếp theo là Phú Đức, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, những tên tuổi nhà văn miền Nam được ghi nhận là “có tầm cỡ.”
Nhưng Sơn Nam thì không viết những chuyện tình như Hồ Biểu Chánh hay Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, mà cảm hứng viết của ông, như bài thơ sau:
“Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
‘Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả’
Tới Cà Mau-Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng…
Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây hiu hút…
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò ơ theo nước chảy, chan hòa.
Năm tháng đã trôi qua…
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”
Tôi thích văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc hơn văn Hồ Biểu Chánh, bởi vì văn phong trong “Rừng Mắm,” “Đò Dọc,” “Hương Rừng Cà Mau” khác xa văn phong của “Phận Gái Hèn,” “Con Nhà Nghèo” của Hồ Biểu Chánh.
Hồ Biểu Chánh còn dùng nhiều chữ cổ xưa miền Nam, còn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đã thay đổi cách viết, lời văn gọn gàng, giản dị, trong sáng hơn.
Thuở còn đi học, học trò rồi sinh viên, và kể cả khi phục vụ trong quân đội, tôi vẫn ẩn chứa trong tôi tấm lòng kính trọng Sơn Nam, người tiêu biểu và hiện thân “ông già Nam Bộ,” người khai phá ðất phương Nam bằng những câu chuyện về ông lục, ông thầy bắt rắn, về mùa “len” trâu.
Sơn Nam trong tôi trong lành như dòng sông Tiền, sông Hậu, của miền châu thổ, của vùng sông nước miền Nam Việt Nam.
***
Sau 30 Tháng Tư, 1975, tôi thấy Sơn Nam trên TV, ông đi dự họp ở hội nhà văn giải phóng, rồi ông đi theo đoàn làm phim “Đất Phương Nam,” làm cố vấn cho đạo diễn về những địa danh, những phong tục tập quán của dân ta từ thời mới khẩn hoang lập ấp.
Thời gian trôi qua, chế độ mới chỉ dùng ông trong giai đoạn đầu thôi.
Sau này, Sơn Nam trở lại con người nhà văn lang thang, không có tiền in sách nên ông không biết dựa vào đâu để có tiền chi tiêu. Một nhà văn mang danh “ông già Nam Bộ,” đã có nhiều tác phẩm xuất bản và bán chạy, nhưng sao ông lại khổ đến vậy.
Rồi tôi tình cờ tôi đọc được một bài phỏng vấn Sơn Nam trên báo VNExpress. Bài viết này báo VNExpress lấy lại từ báo Lao Động, tôi mới tự lý giải những điều tôi đang suy nghĩ. Sơn Nam đã có những câu trả lời thật độc đáo, vừa chua xót, vừa đau thương.
Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) tên thật là Phạm Minh Tài, ông sinh ở Kiên Giang. Gia đình nhà văn Nam Bộ này vốn từ vùng đất Cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tác phẩm đầu tay của Sơn Nam là tập thơ “Lúa Reo,” xuất bản năm 1948. Về sau ông viết văn xuôi, cảm thấy “thuận tay” hơn và theo đường ấy.Tên tuổi của nhà văn được biết đến rộng rãi trên văn đàn sau tập truyện ngắn “Hương Rừng Cà Mau” (xuất bản năm 1962). Có thể khẳng định cho đến nay, đây vẫn là tập truyện ngắn được xếp vị trí cao trong số những tác phẩm đặc sắc của Nam Bộ.
Theo báo Thanh Niên, ngoài truyện ngắn, truyện dài…, Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như: “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam,” “Văn Minh Miệt Vườn,” “Đất Gia Định Xưa,” “Bến Nghé Xưa”…