“Dù có vất vả bao nhiêu chăng nữa, tôi cũng chịu được hết, miễn là các con được đến trường. Cuộc đời làm công nhân của mình, có cái gì đáng giá ngoài con cái”. Tâm sự của chị Nguyễn T.N (33 tuổi, công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cũng là tâm trạng chung của những ông bố, bà mẹ là công nhân mà chúng tôi đã tiếp xúc ở Hà Nội và TPSG. Họ phải vượt qua bao nỗi lo

Chị Thanh Tâm - công nhân Cty Tân Hoàng Gia (SG) - dù ban ngày lao động vất vả, tối đến vẫn dành thời gian kèm con
Chạy sấp ngửa lo tiền cho con đến trường
Mấy hôm nay, chị Anh ngược xuôi tìm việc mới vì công ty cũ ngừng hoạt động, bà giám đốc “biến mất” mang theo 2 tháng tiền lương của công nhân. Không những chị Anh, mà gần 150 công nhân khác cũng đang điêu đứng vì bị nợ lương. “Những công nhân độc thân thì đỡ, còn như mình vừa chồng ốm, con lại vào năm học mới, hoàn cảnh của tôi còn hơn cả… ngồi trên đống lửa”. Chồng chị bị thoái hóa đốt sống lưng, gai cột sống, phải nằm bệnh viện điều trị dài ngày.
Tiền thuốc
Trong những lần hỏi chuyện, “tủi thân” là từ mà nhiều chị em công nhân nhắc đi nhắc lại khi nói đến chuyện đi học của con mình. Chiều 9.9, chúng tôi đến nhà chị P - công nhân Cty Dio (huyện Hóc Môn, TPSG) - gặp lúc gió thốc từng cơn làm mái tôn rung
lên bần bật, mưa tạt ướt cả một góc phòng. Chị P sống một mình, con trai chị vừa vào lớp 4 Trường Tiểu học
Qua bà chủ trọ tốt bụng giới thiệu, chị mới chịu gặp chúng tôi. Mấy tháng rồi công ty thiếu đơn hàng, công nhân ít việc nên chỉ được nhận 70% lương cơ bản, vào khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. “Một mình nuôi con vất lắm” - chị đưa tay vuốt má con, khẽ nựng - “từ đầu tháng 7 cháu đã học hè, với mức 250.000 đồng/tháng, tuần học 3 buổi. Cuối tháng 8 thì đi học chính thức. Vì nhà neo người nên tôi cho cháu học bán trú, tiền ăn mỗi ngày 25.000 đồng, chưa kể phí phục vụ, chén đũa, bàn ghế… Trung bình mỗi tháng 800.000 đồng, bằng tiền phòng trọ của hai mẹ con. Chủ nhật vừa rồi, họp phụ huynh, trường thông báo đóng hơn 1,5 triệu đồng. Thu nhập từng đó, học phí của con, chưa kể tiền ăn của mẹ, tiền nhà trọ, chưa gì đã thấy âm. Mình phải tự mà xoay, vay nóng, vay nguội, tới đâu hay tới đó” - chị phân trần.
Nơm nớp suốt năm học
Sau khi liệt kê một loạt các khoản học phí, chị P lại thở dài: “Bây giờ trường không thông báo đóng một lần như mấy năm trước nữa, mà sẽ chia nhỏ ra nhiều khoản. Cuối tháng 9, đầu tháng 10, trường lại tổ chức họp phụ huynh học sinh, khi đó trường sẽ thông báo các khoản như quỹ hội, đóng góp mua quạt, mua bảng tương tác... Con đi học mà nơm nớp lo sợ, mỗi lần trường thông báo họp phụ huynh học sinh là mình phải chuẩn bị tiền”. Chị Thanh Tâm - công nhân Cty Tân Hoàng Gia - tiếp lời: “Đó là chưa kể tiền học thêm. Nghe đến tiền học thêm mà mình khiếp luôn. Học tiếng Anh, học văn hóa, học bồi dưỡng, học kèm. Nếu con mình học bán trú thì mỗi tháng đóng thêm từ 800.000 - 1 triệu đồng, học thêm 300.000 đồng/tháng, tiếng Anh thì tùy nơi mình gửi con, tôi mới tìm hiểu thì vào khoảng 3,5 triệu đồng/khóa. Tôi đang tính cho con đi học tiếng Anh, còn học thêm thì thôi”.
Chị Tâm tự hào khoe, con trai chị vừa vào lớp 4 trường Tam Đông, 3 năm liền đạt học sinh giỏi dù không học thêm môn nào. “Học thêm đắt quá. Mình dặn con, cái nào không hiểu thì con hỏi thầy. Nhà mình vừa không có tiền, bố mẹ lại thường xuyên tăng ca, không có thời gian để đưa đón con đi học thêm được. Không học thêm, con mình cũng gặp nhiều khó khăn như kiểm tra giữa kỳ, con có cố gắng thì cũng khó mà bằng bạn được. Thường thì cuối năm, tôi sẽ xin nghỉ tăng ca một tháng, đi xin thầy cô cho cháu học thêm tháng cuối cùng trước khi thi cuối học kỳ, về nhà mình kèm thêm cho con để con vững tâm đi thi” - chị Tâm chia sẻ.
Nhưng có lẽ điều khiến chị bức xúc nhất là khoản tiền trái tuyến. Năm đầu tiên, cho dù mẫu giáo hay tiểu học, chị cũng đều phải đóng cho các con 1 triệu đồng. Các năm sau là 500.000 đồng cho lớp mẫu giáo và 300.000 đồng cho cấp tiểu học. “Chả lẽ, cái “án trái tuyến” cứ theo đuổi các con tôi đến hết cả mười mấy năm học hay sao? Cuộc sống nhập cư như chúng tôi đã gặp muôn vàn khó khăn: Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước giá cao… Thêm bất cứ một khoản chi tiêu nào, dù nhỏ, cũng là cả một vấn đề, huống chi... con đi học lại không được đối xử công bằng, phải đóng thêm tiền trái tuyến. Hai đứa con đi học, cứ mỗi đầu năm học là phải lo đóng các loại phí hàng dăm bảy triệu thế này” - chị nức nở.
Trong những câu chuyện của những người mẹ, người cha làm công nhân về các khoản tiền học phí của con, xen lẫn trong những nỗi bức xúc, bất lực về đồng lương eo hẹp của mình không thể lo cho con cái họ một năm học mới tươm tất là niềm tự hào và không quên hy vọng con cái họ sẽ học hành tới nơi tới chốn. “Tôi cầu trời đừng có chuyện gì xảy ra với mình, để còn đi làm lấy tiền nuôi con ăn học. Dù có vất vả bao nhiêu chăng nữa, tôi cũng chịu được hết, miễn là các con được đến trường. Dù gì, thì cuộc đời làm công nhân của mình, có cái gì đáng giá ngoài con cái” - chị N tâm sự.