“... (Dương Nghiễm Mậu) là một trong những nhà văn Việt Nam thế hệ 60-70 đã đào rất sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người... Ông đứng riêng một cõi, dường như không có bạn đồng hành, và đã tạo được một lối cấu trúc về truyện ngắn, truyện dài nằm trong nhân sinh quan bao quát của triết học hiện sinh và vô thần...”
“Nghe và đọc hết một lượt các bài góp ý, phê bình hiện tượng tái bản sách của các nhà văn trước 75, mà cụ thể của Dương Nghiễm Mậu, tôi nhấc điện thoại “Bố ơi, người ta mắng bố ghê quá. Con sợ…” Bên kia đầu dây, giọng đàn ông trẻ trung, đầm ấm Không sao, toàn bàn cái bên lề, có gì mà sợ. “Giọng điệu vậy mà bảo không sao. Con lên chở bố đi cà phê, thấy thực sự bố “không sao” mới tin.” Ừ thì lên! Chỗ cũ ấy, nhớ không?
“Chỗ cũ ấy” là một quán cà phê khá thanh nhã, thoáng mát và rộng rãi - nơi tôi gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu lần đầu, mấy năm trước, nhờ một duyên khởi từ nửa vòng trái đất bên kia. Tôi gọi ông là “Bố” tự nhiên, căn cứ vào chênh lệch tuổi tác và cả quê chung Hoài Đức - Hà Đông của “hai bố con”. Đôi khi tôi gọi ông là thầy, căn cứ vào tư cách và tri thức, tài hoa nghề nghiệp. Ngoài ra, đôi khi cũng gọi anh, vì vẻ mặt trẻ trung, phong thái duyên dáng khi nâng tách cà phê, châm điếu thuốc Con Mèo nhả khói, nhẹ nhàng chia sẻ với người đối thoại những hồi ức viết lách một thời...
“Tôi gọi Bố, Thầy, Anh và xưng Con xưng Em thoải mái. Nhà văn như cái rây, lọc tất cả ngôn từ của tôi, dễ dàng chấp nhận, không ngạc nhiên, xúc động. Chưa bao giờ hỏi tôi là ai, ở đâu, tại sao, làm gì mà lại… Trong câu chuyện hào hứng, bố rõ ràng đang đi lại con đường thời trẻ, thăm những ga xép đìu hiu từ lâu vắng bóng con tàu, những dãy phố ọp ẹp, những căn nhà trọ tạm bợ, gặp những chị phụ nữ gầy ốm bế đứa con khóc ngằn ngặt, những anh giáo dạy tư sắp mất việc, những đứa trẻ con nhà vợ lẽ, lớn lên như lau trắng xác xơ…
Con đường bố đi có tiếng bom đạn vô hình, có cái chết và sự buồn rầu lặng ngắt. Mỗi cột cây số trên đường là một tập truyện ngắn, truyện dài. Bố nhớ kỹ từng câu thoại, từng đoạn kết truyện. Nhớ nhưng mắt không buồn. Chân bước đều, vừa dắt tôi vừa chỉ trỏ, cắt nghĩa. Tôi đi bên bố, trở lại là đứa nhỏ mười mấy tuổi, trước tết Mậu Thân hai năm. Mắt tôi thấy lại xa lộ Biên Hòa, đoạn khỏi ngã ba Vũng Tàu. Bên kia xa lộ là căn cứ Long Bình của Mỹ với hàng hàng lớp lớp dây kẽm gai, bốt gác cao ngất, hầm hố, súng đạn, bãi trực thăng, xe jeep và những chú G.I da đỏ như gà chọi, mặc áo trận bốn túi, nhai chewing gum. Bên này xa lộ là thị trấn Tam Hiệp, khu Gia Viên, Chợ Sặt - Hố Nai. Bao nhiêu bãi rác Mỹ, chợ trời, bar rượu và những túp lều ghẻ lở đứng liêu xiêu. Bao nhiêu người nghèo sống chung với rác và đàn chuột, chó hoang, mèo hoang... Hệt như truyện của bố.
Tôi buột câu hỏi “Bố này” Cái gì cơ? “Bố làm thế nào để viết có air riêng thế.” Thì đọc nhiều. Trước tiên là thế đã. Rồi mạnh dạn viết như mình nghĩ. Không sợ bị ngộ nhận, bị chê cười. Tôi đã phải đọc lắm thứ. Cả những thứ bị coi là paraliterature (cận văn học, á văn học). Đôi khi viết tạp bút, tiểu luận, như cách bắt mình học thêm. Viết về Hồ Biểu Chánh chả hạn. Cô đọc “Ngọn cỏ gió đùa” đi, cái đoạn tả anh chàng ăn cắp cám heo, ông Hồ Biểu Chánh viết không chê được. Hồi đầu thế kỷ XX, miền Nam có ngòi bút như thế rất quý. “Vâng, bố nhớ ông Phan Văn Hùm không?” Ừ! Ông này nữa….
Trong quán, nhạc thoảng bay nhẹ nhàng. Sáng thứ bảy, quán nhiều khách đôi. Nhưng không thấy ai như tôi và bố - ngồi riêng hai đầu bàn, khoảng giữa chất ngổn ngang sách báo, thuốc lá, hoa, cà phê… như khoảng cách thời gian không gian bất khả thắng vượt.
Bố rít thuốc. Đốm thuốc lập loè đỏ. Tôi xin một điếu. Hai bố con chẳng nhìn vào đâu, vào ai. Thoải mái một cõi.Và tôi, hơn năm mươi năm làm người, lần đầu tiên ngồi với văn nghệ sĩ mà không thấy tiếc thì giờ, tiếc lời, tiếc phận.
Tôi hỏi thời này người đọc, người viết trẻ thiếu cái gì so với thời cũ. Không suy nghĩ, bố đáp ngay: Thiếu sự kiên tín! “Con thấy, đã vậy còn hay ngụy tín…” Cô nói đúng! Có lẽ chỗ này khiến mấy mươi năm nay, văn học không khơi dòng được, không có cái mới. Tôi đọc những bài công kích tôi trên báo. Chưa thấy ai đụng chạm những điều thuộc về cốt lõi. Chỉ nói những chuyện thuộc thẩm quyền của nhà xuất bản và người cấp phép.
Mới đây có bài của Phạm Xuân Nguyên trên Văn hóa-Thể thao. Ông này cô biết không? “Con không quen nhưng có đọc lai rai vài bài Hội chứng Babylon, Văn học Việt Nam - Nỗi buồn tiểu thuyết, và năm ngoái, đầu tháng 10, bài Vì một nền văn học sạch, trên trang web vannghesongcuulong.org. Trong bài này, khi trả lời người phỏng vấn Lê Anh Hoài, ông Phạm Xuân Nguyên có nhận xét: “Văn học ta không thể nào lớn được vì không được sống trong môi trường văn học đúng nghĩa của nó”.
Ông Phạm Xuân Nguyên, khi viết về tôi, với tư cách bạn đọc-nhà phê bình, cũng viết nghiêm túc. Cô nên tìm mà đọc. Còn bạn đọc bình thường lâu nay quen với văn học minh họa, văn học mô tả A là A, B là B. Những truyện nhiều tầng nghĩa, có symbol hơi lạ là không chia sẻ được với tác giả, thậm chí ngộ nhận. Thí dụ trường hợp nhân vật Từ Hải. Từ Hải thì Dư Hoài viết, Thanh Tâm Tài Nhân cũng viết, chứ đâu chỉ Dương Nghiễm Mậu trong tập truyện ngắn Nhan sắc. Tương tự, Phạm Thái, Kinh Kha nữa. Bảo tôi bóp méo nhân vật, tả sai bét so với “chính sử” thì… Bố ngưng nói, không hề cau có. Tôi biết bố chừng mực, ít bị lôi cuốn vào chuyện thị phi.”