Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, vào khoảng 17h20 chiều 31/1 đi xe gắn máy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3 TP.Sài Gòn) hướng về vòng xoay Nguyễn Văn Cừ. Khi đến trước số nhà 484 NTMK P.2,Q.3 thì va chạm với 1 xe gắn máy chạy cùng chiều (xe máy này chạy khỏi hiện trường). Vừa lúc này xe đò loại 47 chỗ do tài xế Nguyễn Tân Quang (44 tuổi, ngụ Cam Ranh, Ninh Hòa, Khánh Hòa) vừa trờ tới tránh không kịp nên đã cán qua đầu làm nhà thơ chết tại chỗ.
Nguyễn Tôn Nhan tên thật là Nguyễn Hữu Thành sinh ngày 1-2-1948 tại Cẩm Giàng, Hải Dương, ông lớn lên ở Sài Gòn và chuyên nghiên cứu Hán học, làm thơ, dịch sách, soạn các bộ từ điển quan trọng như: Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc, Từ điển danh nhân Trung Quốc, Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng.
Đặc biệt bộ Nho giáo Trung Quốc dày hơn 2.000 trang ra mắt độc giả cách đây 6 năm đã gây được tiếng vang lớn trong học giới Việt Nam về một công trình dịch và chú giải công phu, nghiêm túc. Ngoài ra còn phải kể đến bộ sách Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, cũng là một công trình biên soạn đồ sộ, đóng góp rất nhiều cho học giới chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc và văn hóa phương Đông. Ông cũng dịch một số tác phẩm lĩnh vực văn học, triết học như Hoài Nam Tử (1.400 trang), Đại từ điển thơ Đường, Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh…
Ông làm thơ từ năm 1967 với tập thơ đầu tay Thánh ca, sau đó là Lục bát ba câu. Ông từng tự đánh giá mình: “Con người nghiên cứu của tôi rất nghiêm túc; còn con người thi ca của tôi thì phóng túng”. Sự nghiệp của Nguyễn Tôn Nhan chủ yếu là nghiên cứu về Trung Quốc học, về Nho giáo với hơn 50 tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật như: Dịch và chú giải Nho giáo Trung Quốc, Lão Tử Đạo đức kinh, Trang Tử Nam hoa kinh, Xung Hư chân kinh, Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển Hán-Việt văn ngôn dẫn chứng, Từ điển danh nhân Trung Quốc, Bản lĩnh Hiểu Lam, Bạch phát ma nữ truyện... Đặc biệt, Nguyễn Tôn Nhan được giới nghiên cứu đánh giá rất cao với các bộ Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc (1.521 trang), Hoài Nam Tử (1.400 trang), Đại từ điển thơ Đường (dịch và chú giải 2.000 bài thơ Đường). Về lĩnh vực nghiên cứu, ông cũng tự đánh giá về mình: “Không bằng cấp, không học hàm, học vị, tôi chỉ là kẻ tạm trú, rong chơi trong đó, lâu dần thành ra thường trú”.Bây giờ, ông đã ra đi bất ngờ ở tuổi 63, như một bài thơ trong Lục bát ba câu của ông: “Mạng thân gửi lại cho em/Thiết tha anh đến mép viền vô vi/Thõng tay chẳng đem chút gì”, nhưng không, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nghiên cứu rất có giá trị
Bạn bè văn chương và học giới đều ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan, có người bàng hoàng vì mới hai tuần trước đây còn ngồi với ông trong bữa sáng tại quán ăn hương vị Quảng Nam ở Sài Gòn. Nay học giới Việt Nam mãi mãi mất ông, đây thực sự là một niềm đau dù trước tác của ông để lại thật đồ sộ.
Linh cữu nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan được quàn tại nhà riêng: 347/22 Bùi Đình Túy, P.24, Q. Bình Thạnh - TP.SG. Lễ viếng từ sáng 1-2, đến 6g ngày 2-2, lễ động quan và đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Nhớ trước đây hơn một năm, Nhà Thơ Nguyễn Tôn Nhan có đi du lịch tại Mỹ, và đã gặp gỡ nhiều bạn văn nghệ hải ngoại trong bữa tiệc tại nhà nhà thơ Thành Tôn. Hôm đó có sự hiện diện của Đạm Thạch, Nguyễn Nam An, Đặng Phú Phong, Nguyễn Quốc Trụ (từ Canada), Trần Yên Hòa - Khánh Hồng, anh chị Thành Tôn, Nhật Ngân, Phạm Phú Minh. Nay thì Nguyễn Tôn Nhan không còn nữa.
Nhóm chủ trương Bạn Văn Nghệ xin thắp nén hương cầu nguyện cho hương hồn nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan sớm về cõi Vĩnh Hằng.
BVN-TH
Sau đây, để tưởng nhờ nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, BVN xin trích bài phỏng vấn Nguyễn Tôn Nhan mới nhất, từ trang mạng Văn Chương Việt.org
Trong gần chục năm nay, Nhà Hán học Nguyễn Tôn Nhan liên tục cho ra đời những bộ sách công phu, đồ sộ hàng ngàn trang như Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc, Từ điển danh nhân Trung Quốc, Bách khoa thư văn hoá cổ điển Trung Quốc, Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng…; và gần đây là bộ Nho giáo Trung Quốc, hơn 1.700 trang. Chúng tôi có cuộc trò chuyện khi biết tin ông sắp chuyển nghề qua dịch truyện kiếm hiệp - một chuyện lạ.
Ông bắt đầu làm việc với chữ Hán từ khi nào?
Năm 1988. In cuốn đầu tiên năm 1989. Nhưng tôi chỉ nhớ tên cuốn thứ 2 đã dịch là Xung hư chân kinh (Nxb Văn Học, 1989) của Liệt Tử; bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới giờ.
Tại sao sách mình dịch mà lại không nhớ tên, hay do cuốn đầu tay có nhiều sai sót mà ông không muốn đề cập đến?
Từ trước năm 1975 tôi đã có dịch rồi [dịch một tập thơ Đường, khoảng 200 bài, dạng bản thảo _ TT&VH], sau đó tôi cũng thường xuyên luyện dịch nên không đến mức sai như anh nghĩ. Có điều những cuốn sách tôi dịch đứng tên khác (tạm gọi tên thương mại) đã lên tới 40 cuốn, những cuốn đứng tên mình cũng trên 10, làm sao nhớ hết và làm sao có thể trả lời ngay khi anh hỏi.
Ông bắt đầu học chữ Hán từ năm nào? Sao mãi đến năm 1988 mới bắt tay làm sách?
Giữa lúc mọi người thi nhau học Anh ngữ (năm 1967), thì tôi lại khoái chí với chữ Hán. Bố tôi thuộc dòng dõi Nho học, gốc ở Cao Xá, Cẩm Giang, Hải Dương; ông nội tôi đi thi kỳ Hương cuối cùng ở phía Bắc năm 1906. Một hôm thấy bố tôi viết chữ Kỳ, tôi nghĩ ông đã viết sai, nên bắt đầu lôi sách ra học, sau 6 tháng thì tôi đọc được Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung; và học mãi đến bây giờ… Còn tại sao đến năm 1988 mới ra sách ư? Vì lúc ấy chớm đổi mới và cũng bắt đầu xuất hiện các đầu nậu sách.
Được biết ông chỉ làm sách với các tư nhân, vì sao vậy?
Vì quen rồi. Với lại sức của tôi có hạn, làm sao chu toàn được nhiều. Cũng nói thật, tôi thích làm sách với đầu nậu hơn vì biết trước được giá cả, sự sòng phẳng, mau lẹ và họ chịu đầu tư dài hạn, nghiêm túc.
Có khi nào ông nghĩ các đầu nậu thích làm việc với mình là do cái 'logo' Nguyễn Tôn Nhan?
Thì cũng cố gắng tạo một chút thương hiệu để làm việc lâu dài. Nhưng tôi nghĩ cái tên không quan trọng đâu, nội dung cuốn sách mới là yếu tố quyết định. Bằng chứng là có rất nhiều cuốn tôi không đứng tên nhưng "cập thời vũ" hơn thì bạn đọc chọn lựa nhiều hơn; tính tham khảo phổ thông hơn. Còn căn bản, những sách tôi đứng tên thì bán chậm và cũng hơi kén độc giả.
Vậy là ông lấy sách bán nhanh để nuôi sách bán chậm, đầu tư nhiều tâm huyết?
Không! Tôi làm theo đặt hàng nhưng không phải cái gì cũng làm. Có những loại sách bán rất chạy, tôi biết chắc, như sách phong thuỷ chẳng hạn, nhưng tôi không thích thì không làm. Ngược lại, tôi còn phải gợi ý đề tài cho các nhà làm sách nữa đấy.
Nghe nói ông sắp dịch bộ kiếm hiệp đầu tiên?
Trước đây tôi đã dịch nhiều, nhưng không ký tên. Còn bộ dịch vừa xong của Lương Vũ Sinh, có tên Bạch phát ma nữ truyện, khoảng 1000 trang. Lương Vũ Sinh là tác gia được xếp vào hàng Tam tổ [cùng với Kim Dung và Cổ Long _ TT&VH] của Tân phái võ hiệp; tác phẩm của ông đầy chất văn học, bám sát văn hoá và lịch sử Trung Quốc. Tôi thích văn hoá, lịch sử và văn học mà.
"Bạch phát ma nữ truyện" đã từng dựng thành phim và đã chiếu tại VN. Vậy thì trước đây, khi dịch "Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam" và những cuốn khác, ông cũng dựa vào yếu tố 'điện ảnh hoá' này để quảng cáo việc bán sách dịch?
Tôi có buôn bán gì đâu mà cần quảng cáo với tiếp thị, làm theo đặt hàng mà. Lúc tôi dịch Kỷ Hiểu Lam cũng như vài cuốn khác, thì ở VN, công chúng đâu có mấy người biết những nhân vật này là ai. Các nhà làm sách thêm hai chữ 'bản lĩnh' vào cho bạn đọc dễ hiểu. Ai ngờ, sau đó truyền hình phát phim này và cũng trùng tên luôn.
Trong các bộ sách đã dịch và đã soạn, ông cảm thấy ưng ý với bộ nào nhất?
Bộ Bách khoa thư văn hoá cổ điển Trung Quốc tạm làm tôi hài lòng nhất, vì cả ở nội dung và cách trình bày. Bộ thích hơn tôi đang làm, bộ tương đối thích sắp làm và bộ thích nhất thì chưa làm. Bộ sách tôi thích nhất còn chưa ra đời mà…!
Vậy mấy bộ đó có tên là gì?
Tôi đang làm bộ Giải thích thuật ngữ văn hoá Trung Quốc khoảng 1500 đến 2000 trang, sắp làm bộ Hoài Nam tử, sách tổ của Đạo gia Trung Quốc, bộ này cũng khoảng 1500 trang.
Thế còn bộ toàn sử hơn 5000 trang, có lần ông đã đề cập đến?
Đó là dự định mà tôi đã và đang ôm ấp trong khoảng 5 năm nay, nhưng chắc chưa làm được vì chưa có ai có gan đầu tư. Để làm bộ này, phải mất hơn 4 năm, và mỗi tháng phải chi trả đủ tiền cho tôi sống bình thường.
Anh thấy việc mưu sinh với chữ Hán thế nào?
Hiện nay, tôi thấy khả quan. Bởi với tôi, sống được là tốt rồi. Những người khác nghĩ thế nào thì không biết; tôi thì cho rằng, không riêng gì với chữ Hán, nếu không mưu sinh được thì rất dở. Tôi cũng có một thời kỳ rất dài… làm người rất dở.
Ông quan niệm về việc dịch thế nào?
Chủ đích của việc dịch là không cần phải theo sát nguyên tác, mà phải hay hơn nguyên tác. Chủ yếu là phải Tín và Đạt; còn Nhã hay không thì do tài năng của người dịch. Mà khái niệm thế nào là dịch Nhã (dịch hay) thì vô chừng lắm.
Trong số sách đã dịch, ông nghĩ mình đã có cuốn nào đạt trình độ Nhã chưa?
Chưa. Tại vì, có thể khả năng của tôi chưa tới; hay tôi đang trên đường tìm tới cái Nhã.
Những dịch giả tiền bối, có nhiều người đạt trình độ Nhã hay không?
Nhiều chứ. Người tiêu biểu và đáng kể nhất là Nhượng Tống, một dịch giả uyên bác và tài hoa, các bản dịch Ly tao, Tây sương ký… của ông ta đến bây giờ vẫn là mẫu mực, chưa ai có thể dịch hay hơn. Ngay cả Đào Duy Anh, khi dịch Sở từ của Khuất Nguyên, đến bài Ly tao thì cũng lấy lại bản dịch của Nhượng Tống để in vào sách, đề tên N.T. dịch, xem như phần tham khảo chính.
Vì sao ông là một nhà thơ mà lại chưa in một tập thơ dịch nào?
Dịch thơ ở VN phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tôi rất thích Lý Hạ và đã dịch một phần nhưng chưa biết in ở đâu. Nếu có nơi in, tôi sẽ dịch Vô đề (khoảng 60 – 70 bài) của Lý Thương Ẩn; sau đó là một tác giả cận hiện đại, thế kỷ 19, Tra Thận Hành, ông tổ của Kim Dung. Ngoài ra, Quách Mạc Nhược, Hồ Thích, Văn Nhất Đa, Từ Chí Ma, Nạp Lan… cũng là những tác giả mà tôi rất quan tâm.
Đến bây giờ, nếu phải nhìn lại chặng đường học & làm sách của mình, ông sẽ nói sao?
Học chữ Hán từ năm 1967, lập gia đình và sinh con đầu vào năm 1972, mãi đến năm 1987 tôi vẫn là người thất nghiệp. Ròng rã trong 20 năm, vừa do trốn lính (trước 1975) vừa do thất nghiệp, có lẽ thế mà tôi đã có thời gian để học và đọc. Học để quên cái đói. Một thời gian dài, vợ tôi [Quỳnh Hương, tác giả của hơn 50 cuốn sách nữ công gia chánh nổi tiếng_ TT&VH] là người xoay xở may vá loanh quanh, ăn bữa nào lo bữa ấy. Cho nên khi có điều kiện viết sách, trước hết, tôi xem đây là cơ hội để kiếm tiền tồn tại, để phụ vợ nuôi con, nuôi cháu; và đến bây giờ, tôi vẫn giữ quan điểm này.
Nhiều gian truân như vậy, các con ông có theo ngiệp cha không?
Tôi có 3 đứa con, hai trai một gái; trai lớn là thạc sĩ xây dựng, con gái học ngành giáo dục ở Tokyo Học nghệ Đại học [Tokyo Gakkugei Daigakku]; còn đứa út cũng học tại Nhật, ngành công nghệ thông tin ở Tokyo. Ban đầu tôi cứ tưởng vậy là yên thắm rồi, không đứa nào theo nghiệp sách vở, chữ nghĩa, tư tưởng… thì đỡ khổ thân cho nó. Nhưng một ngày con trai lớn tôi bỏ ngành xây dựng, đi học thư pháp ở Chợ Lớn, rồi qua Nhật học Phật học, hiện nay nó đang chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ Phật học tại Đại Cốc Đại học [Otani Daigakku]…, nơi mà trước kia thiền sư D. Suzuki đã học; nhà tôi thành cảnh hai nơi, hai vợ chồng già và một cháu nội sống tại VN, ba đứa con sống tại Nhật, con dâu thì đi đi về về. Cái nghiệp chữ nghĩa nhiều khi cũng có di truyền là vậy. Nhưng tôi cũng thấy chuyện này là bình thường, không lấy làm vui mừng hay phàn nàn gì cả.
Ông ở Ngu Cốc [tên hiệu], con trai lớn thì học ở Đại Cốc, ông nghĩ sao về điều này?
Để biết thế nào là Ngu Cốc, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có làm bài thơ giễu bút hiệu của tôi treo ở trước cửa nhà, tôi nghĩ báo của anh không chịu in bài này đâu [cười]… Còn từ Ngu Cốc đến Đại Cốc, thì cả một quá trình, biết đâu con hơn cha, nhà sẽ có phúc thôi.
Một câu hỏi bên lề, Thư Ấn Quán vừa in tập "Lục bát ba câu" của ông, gồm 229 bài. Nghe nói nhà thơ Huy Tưởng cũng có làm thể loại này, vậy bản quyền phát kiến thuộc về ai đây?
Trong tập này, tôi ghi chú là viết năm 1990 đến 1996, nhưng thực tế tôi chỉ làm có 10 ngày là xong, Trụ Vũ có chứng kiến điều này. Theo nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ thì nhà thơ Huy Tưởng có tranh chấp về 'phát kiến' này; tôi thì không quan trọng lắm, cốt là phải viết như thế nào thôi. Chưa nói thực tế, Huy Tưởng chỉ làm 'những bài 14 chữ' thôi, chứ đâu phải 'lục bát ba câu', 20 chữ.
Hoàn tất vài cuốn sách nữa xem như đã hoàn thành ước nguyện, lúc ấy ông sẽ nói gì với vợ con mình cũng như với người đọc?
Như bài số 226 trong tập thơ của tôi:
Mạng thân gởi lại cho em
Thiết tha anh đến mép viền Vô Vi
Thõng tay chẳng đem chút gì.
Từ vanchuongviet.org
Trích thơ
Nguyễn Tôn Nhan
Xuân ban đầu
bài thơ xuân nào run lẩy bẩybến tầm dương say vấy hồn trinhem ơi khờ dại một mìnhvà xa dội một tiếng kình gõ maubài thơ xuân quên mất nhaukhờ em đâu nhớ những màu tơ xưaồ thơ đưa đẩy đã bưasóng xô đời đã kịp vừa biệt tămbiệt cả tăm lẫn tằmsay đằm vai mỏng mảnhmưa sài gòn sủi tămanh lang thang vô ảnhtrời ơi nước sóng sánhtrời đất vào mùa đầuhay mùa cuối nhòa nhaumắt đỏ màu máu thốnhai với hai là bốnsương muối xuống ào àobài thơ nào lẩy bẩyxa xôi còn muốn chaocái xuân xoan chẳng cuối đầunhư anh chưa hiểu hết màu ái âncứ lên gân lên gân tới nữađến thân tàn nhụy rữa mới thôiđất trời ôi ôi ôi ôisài gòn nát cả mùi hôi ban đầu.(Sài Gòn, Giêng 2011)
Gửi cho cõi im lặng
Rồi người đi tóc bỏ đuôi gà
Tôi lao đao về những sân ga
Chiều hôm hoa nở cành chim chết
Tặng cho người đôi cánh lông khô
Tôi giang hồ như triệu bóng mây điên
Biết về đâu người biết đâu tìm
Đời tan nát cả lòng bia mộ
Mây cũng không mầu mây cố nhiên
Rồi người đi tôi khóc ướt đồi
Mưa xuống cho hồn lạnh chết thôi
Thiên nhiên xanh quá tôi vừa thấy
Cũng đủ cho tôi dại cả đời
Chiều vui trời ướt nhẹp mây gù
Sãi về chùa, tôi sắp theo tu
Người không biết được thầy tăng nhỏ
Đã nhớ người rên suốt đêm thu
Người đâu biết được cụm mây kia
Nhớ run em, nên đã theo về
Nơi tôi có triệu cành vô sắc
Gửi cho người chết ngợp đam mê
Tôi nằm nghe cây chuyển nhựa non
Bóng thiên thâu một mảnh trăng còm
Tôi nhớ vô cùng con dế gáy
Tóc người gầy dãy dụa bay điên.
Chiều chiều
Sáng hôm nay mặt trời xanh
Nàng giữ trên môi bông tuyết nhỏ
Lá trong vườn từng lưỡi dao găm
Nàng giữ trên tay bông tuyết đỏ
Chim không bay đến mái hồn tôi
Nơi cô đơn rêu ngàn năm đã phủ
Nơi vinh diệu của nhửng kẻ u buồn
Nơi sáng hôm nay của tôi của nàng
Của hai kẻ đem phơi hồn ủ rủ
Chiều tôi trở về trên đồi cây
Dưới cành khô có bóng nàng treo cổ.
(Thánh Ca)
Năm mặt trăng
I
Tôi huýt sáo một mình
Rắn hổ mang rắn hổ mang
Chiều đeo gông tử hình
Đồi thông trời rụng rất nhiều bông
Rất nhiều bông quá nhiều bông
Tôi huýt sáo liên miên
Chiều mưa ráng bóng cầu vòng
Tôi quỳ ngó mãi nước trong tim
Tôi huýt sáo một mình
Rắn hổ mang rắn hổ mang
Tôi leo lên đỉnh ráng cầu vồng
Tôi đái cho vũ trụ mù sương
II
Nhả nọc người
Tôi bay lên rừng sương thu
Dơi về cánh rất mỏng
Biển chìm tôi ngã đè
Tôi phán hãy có những mặt trời
Tôi nhận chìm thượng đế
Động máu tươi
Động chút máu tươi tôi trở về
Biển chìm tôi lượn mãi trong khuya
III
Mưa thều thào sắp chết
Mái nhà trắng xoá sọ người
Tôi chìm vào tôi giàn hoa giấy
Cỏ chạm vào tôi mây chạm tôi
IV
Đi giữa phố một mình
Giày da đen đau tim
Tôi hình như rất xám
Trời thả đầy vật buồn
Nhổ lông ra xỉa răng
Tôi hình như rất đỏ
Tôi hình như rất vàng
Cuộc đời là hình vuông
Dĩ nhiên vui dĩ nhiên
Có khi như hình tròn
Nhổ lông ra xỉa răng
Vũ trụ không hình thù
Nọc ai phun chiều thu
V
Chim đừng kêu chim đừng kêu
Trời đừng chiều trời đừng chiều
Không tôi không biết chết
Chưa tôi chưa ra đời
Một lần thôi cũng nhiều.
(Thánh Ca)
BVN-TH