NGUYỄN DIỆU TÂM, NGƯỜI CON GÁI TÀI HOA,GỐC HUẾ , HỌC NỮ TRUNG HỌC QUY NHƠN.HỌC ĐẠI HỌC VÀ SINH SỐNG Ở SÀIGÒN.
Nhắc đến Nguyễn Kim Tiến, Phạm Ngọc Dao mà không nhắc nhớ Nguyễn Diệu Tâm là một thiếu sót trong hồi ức này của tôi trên dọc đường văn nghệ.Quen biết cô em gái có chiếc răng khễnh khi tôi sinh hoạt ở trang Sinh Hoạt Nữ Trung Học Quy Nhơn cũng đã hơn 10 năm.Rất tình thân vậy mà cũng có lúc như mặt trăng ,mặt trời cách trở.Nhưng thời gian và không gian không thể cắt chia tình bạn. Gốc Huế , Tâm vào học trường nữ trung học Quy Nhơn.Những năm tháng này cô đã manh nha tài hoa và càng lúc càng lộ rõ qua thơ, văn, họa và những bài viết thâm trầm sâu sắc trên các trang wed.Đọc và quý cái chân tình thiết tha văn nghệ cũng như sự cẩn trọng trong văn chương của cô.Ngoài đời ,sau khi rời Quy Nhơn cô vào SG sinh sống và là một giám đốc trẻ, năng động của một công ty sơn mài ở Bình Dương.Cô tổ chức nhiều sự kiện và giới thiệu nghề sơn mài truyền thống trong nước và ra nước ngoài.Luôn bận rộn thế mà cô vẫn dành thời gian viết lách và gặp gỡ ACE văn nghệ.Tròm trèm 10 lần anh em chúng tôi gặp gỡ.Khi Nguyễn Kim Tiến từ Mỹ về.Lúc Phạm Ngọc Dao ở Canada sang.Làm văn nghệ mà thiếu chất lãng mạn và lửa trái tim thì khó mà lung linh cảm xúc ...Có đôi lần Tâm , N.TV và tôi hẹn gặp ở cà phê Đông Hồ.Khung cảnh nơi đây thoáng mát càng khiến cà phê thêm ngon.Mấy anh em ngoài chuyện “tám” tình hình sinh hoạt văn nghệ còn bỏ ra hằng giờ để chỉ ngắm những chú sóc nâu chạy nhảy trên các cành cây cao dưới ánh nắng ban mai chan hòa.Sự lãng mạn của những người viết lách là thế.Chỉ cần một phút giây xuất thần là tâm cảnh và tâm linh con người được phơi bày không cần giấu giếm.Có lúc tắc tị hàng tháng trời không bẻ ra nửa chữ như tâm trạng của thi sĩ Hồ Dzếnh:” Phút linh cầu mãi không về/ Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen” của thời tiền chiến.Còn bây giờ nếu xơ cứng cảm xúc thì gõ vào bàn phím như gõ vào hư không và computer lặng lẽ căm căm như kẻ bị phụ tình…Thân tình thế mà tôi chẳng bao giờ hé môi hỏi về đời tư của Tâm vì tôn trọng bạn bè dù có lúc thấy cô chơi vơi một mình. Đời người có ai tránh khỏi ưu tư, xót xa về một kỷ niệm, một vết lăn trầm nào đó được che đậy trong một góc khuất của tâm hồn, phải không Tâm ? Song tôi tin vào bản lĩnh và thi ca cứu rỗi con người nên chắc chắn Nguyễn Diệu Tâm vẫn ung dung tiếp tục cuộc hành trình đi tìm CÁI ĐẸP VĨNH CỮU của sáng tạo…Tôi luôn đọc bài viết và đồng cảm cùng cô em gái với sự sẻ chia chân tình:
NGUYỄN DIỆU TÂM
Đoản Văn
Buổi sáng cuối tuần, còn đang ngái ngủ, tôi nhận được tin nhắn của Rod, một trong những người khách hàng lâu năm: "Tôi vừa đến Việt Nam. Đây là số di động mới của tôi. Hãy liên lạc với tôi qua số này. Rất mong được gặp cô lúc 10 g sáng ở Highland Coffee, phía sau Opera House."
Vẫn như bao nhiêu lần trước mỗi khi Rod qua Việt Nam, thường là vài lần hoặc ít nhất cũng một lần mỗi năm, lần nào qua đến thành phố ông ta cũng liên lạc với tôi ngay lúc vừa đến nơi và hẹn đi ăn trưa. Là một khách hàng từ Canada lâu năm nhất của tôi, quen biết nhau đã lâu, làm ăn với nhau cũng đã lâu, nhưng lạ một điều là tôi cảm thấy mình luôn cảnh giác với ông ta. Khác rất nhiều với những khách hàng khác, Rod luôn có những thái độ đối xử bất nhất với những người có quan hệ với ông ta trong công việc, khi thì thân thiện, tốt bụng hòa nhã rộng rãi và không kém phần từ bi, khi thì lạnh lùng hiểm ác, keo kiệt bủn xỉn. Nhiều lần thấy ông mặc cả tiền xe với người tài xế taxi, hoặc buộc nhà hàng phải trả lại tiền thừa chưa đến 700 đồng, tôi cảm thấy xấu hổ. Ông luôn giải thích: Với tôi, mọi chuyện phải rõ ràng. Tôi không muốn bị ai lừa mình, dù chỉ một xu!
Tôi gặp ông khoảng 10 năm trước, lúc ông đến Việt Nam lần đầu tiên tìm nguồn hàng mua bán. Tôi cũng giới thiệu cho ông một số nhà cung cấp, trong đó có Tuân, chủ một nhà in. Ông rất quý Tuân. Khi nghe tin Tuân mất đột ngột vì tai nạn, ông đã khóc lúc đọc những dòng email tôi gửi báo tin. Lần qua Việt Nam vài tháng sau, ông rủ tôi đi thăm mộ Tuân, cách xa thành phố chừng 30 km. Ông đưa tay phủi những chiếc lá khô rơi trên mộ Tuân, rồi đứng lặng người rất lâu. Trên đường về ông nói với tôi: - Làm ơn tìm cho tôi một người săn sóc mộ Tuân. Tôi sẽ trả tiền để người ấy ngày nào cũng ra đây quét dọn cho mộ Tuân sạch sẽ và chăm sóc những bông hoa.
Ông thuê Hoàng, một người phiên dịch tiếng Anh để giúp ông trong công việc rồi cùng người này đi khắp miền Trung và Bắc tìm nguồn hàng, từ cà phê, trà, gỗ, sắt thép gì cũng làm. Hoàng kể: "Ông ta thật là siêng năng và dẻo dai, với thân hình đồ sộ hàng trăm ký lô thế kia, ông đi rất nhiều, hang cùng ngõ hẹp đều tìm đến, leo lên những ngọn đồi cao miền Bắc thoăn thoắt để mua trà, cà phê, tôi còn chạy theo không lại, chỉ sợ ông ấy to béo quá, có thể bị đứt mạch máu thì khổ!"
Tôi đến Highland trễ khoảng nửa tiếng vì trên đường kẹt xe do mưa quá lớn. Rod ngồi bàn phía ngoài, gần hàng rào gỗ sơn màu trắng có những chậu hoa màu đỏ.
Tôi gọi một miếng bánh Tiramisu và một tách trà nóng. Vẫn như bao giờ, Rod nói hơi nhiều về chuyện gia đình, chuyện kinh doanh, chuyện thời sự quốc tế ... và tôi chỉ việc ngồi nghe. Quán cà phê càng lúc càng đông khách vì trời lại bắt đầu đổ mưa. Lại một cơn bão về.
- Cô còn nhớ con bé "Tiểu thư" chứ?
Đang im lặng nhìn ra ngoài trời đang mưa, tôi giật mình quay lại.
- Có, tôi nhớ.
- Tôi có hẹn với cô bé trưa nay.
- Sao lần trước tôi nghe ông kể cô bé đã đi Mỹ rồi mà?
- Phải, cô bé ấy được một đôi vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi và bảo lãnh đi cách đây 8 năm.
- Thời gian qua nhanh thật! Vậy bây giờ vì sao "Tiểu thư" lại đang ở Sài Gòn?
- Trước đây, mùa hè nào nó cũng về Việt Nam mà không đi đâu nơi khác dù cha mẹ nuôi sẵn lòng cho nó đi holiday ở nhiều nơi. Khi vừa hoàn tất trung học, nó xin cha mẹ nuôi cho về Việt Nam học tiếp chương trình đại học. Họ đồng ý.
- Thật là lạ! Tại sao cô bé không học đại học bên Mỹ cho có tương lai hơn?
- Vấn đề là cô bé không thể rời xa gia đình. Nó là một đứa con gái tốt, rất thương yêu gia đình của mình.
Mưa càng lúc càng lớn, vì ngồi ngay ở phía ngoài nên mưa tạt vào phía bàn chúng tôi. Rod bảo tôi dời chỗ vào bên trong, nơi có cửa kín và không ai hút thuốc lá nhưng tôi vẫn thích ngồi bên ngoài. Những quán cà phê ngay trung tâm thành phố bây giờ thường có khoảng sân cho khách ngồi nhìn ngắm phố phường, người, xe qua lại vui mắt. Tôi nhìn ra đường, bên phải là khách sạn Caravelle, bên trái là khách sạn Park Hyatt, Continental và con đường chạy qua Nhà hát lớn thành phố là đường Catinat thời Pháp thuộc, mang tên đường Tự Do trước năm 1975 và bây giờ là Đồng Khởi. Vào thời kỳ nào thì con đường này cũng là một trong những con đường "vàng" của thành phố.
Vào thời khách du lịch đổ vào Việt Nam từ những năm 80, vì con đường này là một trong những trung tâm của những cửa tiệm, khách sạn, nhà hàng sang trọng nhất nên lúc nào du khách cũng đông. Du khách càng đông thì những dịch vụ mua bán càng nhiều, không chỉ trong tiệm mà còn tràn ngập đường phố. Một trong những dịch vụ mua bán đường phố này là đội ngũ trẻ em bán báo, sách tiếng nước ngoài, bưu thiếp, bán vé số v.v... cũng đông không kém. Để dễ tiếp cận khách nước ngoài, các em nói tiếng nước ngoài như gió, từ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hoa .., chỉ là những từ học lỏm đâu đó, nói riết rồi thành quen. Nhiều lần đi trên con đường này, tôi gặp những bé gái chừng 9, 10 tuổi, tay ôm cả chồng sách báo. Tôi hay xót lòng nên thường dừng lại mua chút ít gì đó để giúp đỡ. Hỏi về hoàn cảnh thì đa số kể: " Con đi bán hàng nuôi em con!" Hỏi cha mẹ đâu, cháu bảo "Cha mẹ con chết hết rồi!"... Có lúc thì là một bà cụ ngồi bên góc đường với chiếc nón lá rách để ngửa. Cho tiền, hỏi con cái cụ đâu. Bà trả lời: Tui có 3 đứa con trai. Vì con dâu bất nhơn quá không chịu nuôi nên thôi, ra đường kiếm ăn! Có lần một người khách đi cùng tôi nghe tôi kể đã xua tay: Không chắc đó đã là sự thật đâu!
"Tiểu thư" cũng ở trong đội quân trẻ em đường phố đó. Cũng hoàn cảnh tương tự như các em khác. Cha sớm say chiều xỉn, lại còn nghiện ma túy. Mẹ bệnh hoạn quanh năm suốt tháng, phần thiếu ăn nên người xanh xao vàng vọt. "Tiểu thư" là chị lớn của đàn em 3 đứa con trai cũng theo chị mạnh đứa nào bán thứ đó. Cuối ngày về các em nộp tiền cho cha. Cha quăng cho vợ con vài đồng lẻ, còn lại ông trút vào rượu và ma túy.
Rod gặp "Tiểu thư" trên con đường đó. Còn tôi biết đến cô bé khi Rod viết E-mail nhờ tôi tìm hộ một trường tiểu học nội trú của các ma soeur, và Hoàng thay mặt ông làm người giám hộ cho con bé. Ông từng nói với tôi: "Đó là một đứa bé thông minh, tôi sẽ giúp đỡ cho nó học hành tử tế. Học chữ và học đàn piano".
Vài tháng sau gặp lại Hoàng, cậu ta nói: "Ông Rod nuôi con bé ấy chỉ uổng công! Nó trốn học hoài. Nó quen cuộc sống tự do ngoài đường phố rồi, là một đứa bé bụi đời, giờ ông ta bắt nó phải nhốt mình trong những bức tường và biến nó thành cô tiểu thư nhà giàu, học hành tử tế, đàn piano, làm sao mà được! Trời, "Tiểu thư đường phố"!
Cái tên "Tiểu thư" bắt đầu được chúng tôi gọi từ đó. Có gì đó thật chua xót khi tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi từng nói với Rod: Tôi thật lo là ông sẽ uổng công. Con bé như một cánh chim tự do, nay ông nhốt nó vào lồng son, rồi nó sẽ vỗ cánh bay đi thôi. Còn người cha như thế, chỉ suốt đời làm khổ gia đình.
Nhưng Rod thì cho là nhà trường quản lý không tốt và Hoàng đã làm vai trò giám hộ không hết lòng. Ông nói với tôi: - Khổ cho Tiểu thư là nếu nó phải đi học như vậy thì ai là người kiếm tiền nuôi lão cha già nghiện ngập và bà mẹ bệnh hoạn cùng đám em nheo nhóc đó! Con bé mới 12 tuổi! Nhưng nếu tôi phải giúp cho gia đình nó để nó yên tâm học hành thì không thể được! Tôi không thể bỏ tiền ra để nuôi một tên nghiện!
Giờ đây tôi xúc động vì câu chuyện này. Tôi thấy ân hận vì mình đã có những lúc thoáng qua nghĩ không tốt về Rod, về suy nghĩ và hành động của "Tiểu thư". Tôi cứ tưởng ngày con bé được cha mẹ nuôi giàu có lãnh qua Mỹ, sẽ trở thành một cô tiểu thư thật sự, sẽ được học hành tử tế, rồi tuổi thơ cơ cực sẽ qua, rồi cô sẽ lập gia đình với một chàng trai nào đó, và cùng lắm cô sẽ về thăm gia đình lúc đã có công ăn việc làm ổn định, có tiền đủ để giúp đỡ gia đình. Nhưng không, một cô gái 20 tuổi, rời nước Mỹ và cuộc sống giàu sang của một tiểu thư thật sự để trở về nhà chỉ vì cái gia đình tội nghiệp của mình vẫn còn sống trong cảnh lang thang đầu đường xó chợ. Khi thấy cha mình đêm đêm ngủ ở gầm cầu, nay ở chợ Ông Lãnh, mai chợ Cầu Muối, những con đường Sài Gòn ngày nay càng phát triển thì cầu càng nhiều. Còn mẹ cô từng tha đứa em út ra miền Bắc kiếm ăn, 2 đứa em trai nhỏ còn lại thì đi nhặt ve chai, đói khát là chuyện thường ngày. Bên kia bờ đại dương, "Tiểu thư" ứa nước mắt hàng đêm, tâm nguyện của cô bé là sẽ có một ngày về Việt Nam gom gia đình lại thành một. Chỉ sợ nếu để muộn màng thì không bao giờ cô còn có thể gặp lại gia đình mình nữa. Và vì thế, con chim nhỏ tự do lại thêm một lần nữa, bay ra khỏi chiếc lồng son.
Rod nhìn đồng hồ chỉ 12 g trưa. Ông nhấn phím từ chiếc Black Berry nhắn tin. Rồi đưa điện thoại cho tôi đọc những dòng “Tiểu thư” viết trả lời: "Dad, ở chỗ con trời đang mưa lớn". – "Cô bé đang ở đâu"? Tôi hỏi. Rod trả lời: – "Tôi không biết. Nhưng tôi bảo con hãy đi bằng taxi đến đây. Ta sẽ trả tiền xe". Tôi nhìn Rod lúc đó đang chăm chú vào điện thoại nhưng toát lên một vẻ thật trìu mến. Khuôn mặt với bộ râu quai nón rậm rạp lùm xùm và cặp kính tròn trễ xuống mũi trông ông giống như ông già Nô-en. Ông có vẻ hạnh phúc vì chữ DAD. Tôi lại nhớ có lần ông kể cho tôi nghe chuyện đời ông 40 năm về trước: “Lúc đó vợ chồng tôi rất nghèo, tôi phải may nệm ghế sa lông bằng tay. Nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Và rồi hạnh phúc đã không còn khi vợ tôi mất vì bệnh ung thư. Một thời gian dài tôi sống trong đau khổ vì mất mát quá lớn. 20 năm sau tôi gặp Christy. Bà ấy có 2 con gái riêng. Người chồng quá ích kỷ và tàn nhẫn nên bà ly dị. Khi tôi đến với bà ấy, tôi đã xem 2 đứa con gái của bà như con của mình. Tôi không có con. Và tôi thèm được làm cha".
- Bây giờ “Tiểu thư” làm gì?
- Con bé đi học đại học, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường Đại học Quốc tế ở Sài Gòn.
- Tiền đâu để đóng học phí? Trời đất, đắt lắm ông à! Tôi kêu lên.
- Cha mẹ nuôi cho tiền học. Buổi tối nó đi làm thêm kiếm tiền lo cho gia đình. Nó thuê một căn hộ chung cư nhỏ, gom cha mẹ và các em lại. Một đứa con gái mới 20 tuổi đầu mà lo cho cả gia đình như vậy thật là một gánh nặng quá sức. Nó là một thiên thần!
Khoảng vài giây sau, Rod ngoắc gọi tính tiền rồi đứng dậy:
- Thôi tôi phải đi đây. Tôi sẽ gặp Tiểu Thư ở bên kia đường.
Tôi cũng đứng dậy: - Cảm ơn ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện này. Tôi thật sự rất cảm động!
Mưa nhỏ hạt dần nhưng khi bước ra đường vẫn bị ướt. Tôi mượn ở quán cà phê cây dù để đưa Rod đi qua đường rồi ông đi dọc theo con phố dưới những mái che. Tôi định nói với ông cho tôi gặp cô bé xem bây giờ con bé ra sao, nhưng rồi lại thôi. Cũng hơn 8 năm rồi tôi không gặp từ buổi tiệc bên hồ trong ngôi biệt thự Rod thuê ở khu Thảo Điền, Thủ Đức. Đêm hôm đó nhân dịp mẹ và Christy, vợ ông qua Việt Nam dịp Giáng sinh, Rod đã tổ chức party và mời nhiều bạn bè đến, có cả người nước ngoài và Việt Nam. Ông còn nói với tôi: Có lẽ chưa bao giờ mẹ con nhà "Tiểu thư" được tham dự buổi tiệc như thế này. Tôi muốn họ được biết đến tiệc Giáng sinh ít nhất là một lần trong đời. Lúc đó con bé chừng 12 tuổi, gầy nhom, nhỏ xíu, tôi chỉ còn nhớ mang máng nó có đôi mắt linh hoạt, ngồi cùng người mẹ gầy gò và 3 đứa em trai nhỏ khá quậy phá đêm hôm đó.
Khi quay trở về quán cà phê, trời vẫn còn mưa. Tôi đứng chờ cho mưa tạnh hẳn. Những bông hoa màu đỏ bên hàng rào gỗ sơn trắng trở nên tươi tắn hơn trong mưa. Tôi nghĩ đến cô bé Tiểu Thư, cuộc đời còn dài lắm. Em chỉ mới 20 tuổi. Rồi em sẽ làm gì, sẽ là ai trong ngày mai? Em sẽ tiếp tục sống ở đất nước này để đùm bọc cho gia đình em suốt đời hay khi họ tự ổn định cuộc sống được rồi em sẽ ra đi? Tôi có hỏi Rod câu này nhưng ông cũng lắc đầu: - Tôi không biết rồi cha mẹ con bé có khác hơn không chứ bây giờ họ vẫn sống hoàn toàn dựa vào nó. Nó tạo cho mẹ một tủ nhỏ bán thuốc lá trong khu chung cư nhưng hình như bà ta cũng chẳng làm được gì. Còn người cha, thật vô phương! Tôi cũng không biết phải khuyên nó như thế nào khi đã khuyên nó cách tốt nhất có thể, nhưng con bé vẫn lặng thinh làm theo ý mình. Chỉ mong rồi đây cuộc đời con bé sẽ sáng sủa hơn và gia đình nó hiểu được đứa con gái bé bỏng này đã thương yêu họ và hy sinh như thế nào.
Tôi vẫn chưa gặp lại Tiểu Thư, nhưng tôi đã hình dung ra em, một thiên thần có đôi cánh bé nhỏ.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi...
Tháng 10, 2013
NGUYỄN DIỆU TÂM
Đoản Văn là thế.Còn Tâm làm thơ cũng nhiều. Chỉ trích 3 bài tiêu biểu của cô
THƠ NGUYỄN DIỆU TÂM
BẢO TÀNG TÌNH YÊU
( Tặng anh Trần Dzạ Lữ)
Có bao giờ em tin
Rằng anh sẽ xây một bảo tàng?
Anh sẽ chia bảo tàng ra làm nhiều khu vực
Như Picasso, có “thời kỳ xanh”, “thời kỳ hồng”
Anh sẽ có “thời kỳ trắng”, “tím”, "hồng", “nâu”…
Thời kỳ áo trắng, cho em
Là thuở ngây thơ em hồn nhiên nhảy dây, u quạ
Khi trăng còn ngậm sữa
Thời kỳ áo tím, cho em
Là tuổi dậy thì như đóa hoa vừa hé nở trong vườn nắng sớm
Thoảng hương thơm khiến lũ ong bướm rộn ràng
Cho anh thành kẻ dại khờ nhất thế gian
Thời kỳ áo hồng, cho em
Khi chia tay anh rồi bước sang ngang
Và thời kỳ áo nâu, bây giờ
Là một thời để nhớ…
Những kỷ vật anh chưng bày trong bảo tàng
Là lá thư tình hoen mực
Chất chứa tình anh mênh mông,
Là đôi guốc mộc em mang từng gõ trên hè phố
Đóng đinh một đời anh!
Là chiếc nón lá che nghiêng thời đi học
Che đôi mắt biếc, tím cả hồn!
Là chiếc khăn thêu ố màu thời gian
Là chiếc võng em nằm anh ru tình
Là đóa hoa anh hái trộm tặng em thuở ban đầu
Là những giận, hờn, trách móc
Là những chiếc hôn làm lành
Là trái tim anh…
bất tử …
Bảo tàng sẽ luôn mở cửa
Đón khách phương xa
Không chỉ những người yêu cũ có thể lui tới
Nhìn lại kỷ vật xưa
Mà còn có thể cho bạn bè, người quen
Tìm thấy một chút gì của ngày cũ
Và cho những người trẻ tuổi đang yêu nhau
Biết được tình yêu của anh dành cho em
… như thế đó!
Và anh sẽ là
Người quản thủ bảo tàng tình yêu
Siêng năng quét dọn mỗi ngày
Mở cửa sổ cho nắng trời vào buổi sáng
Cho trăng sao ghé vào ban đêm
Thắp thêm những ngọn nến vàng nhung nhớ
Đợi chờ em trở lại ….
*****
Những kỷ niệm đẹp và cũng thật vui. Bài thơ này được nhạc sĩ Ngô Tín phổ nhạc và đài truyền hình VTV3 có quay một video rất dễ thương:
https://www.youtube.com/watch?v=KkhPqhx__yE
Đây là bài thơ mà Nguyễn Diệu Tâm viết tặng tôi khi mang ý tưởng muốn xây dựng một Bảo Tàng Tình Yêu cho TDL ở trang Nữ Trung Học Quy Nhơn.Một kỷ niệm thật đáng nhớ.
Ngô Tín nhắc tôi gọi cho anh Trần Dzạ Lữ, cái "nhân" của nhóm Bảo tàng Tình yêu vì bài thơ này tôi viết tặng nhà thơ tình có nhiều kỷ vật tình yêu nhất trong trang nhà Nữ trung học - nhiều đến nỗi chỉ xây bảo tàng mới .. đủ chứa.
.................
Những kỷ vật anh chưng bày trong bảo tàng
Là lá thư tình hoen mực
Chất chứa tình anh mênh mông,
Là đôi guốc mộc em mang từng gõ trên hè phố
Đóng đinh một đời anh!
Là chiếc nón lá che nghiêng thời đi học
Che đôi mắt biếc, tím cả hồn!
Là chiếc khăn thêu ố màu thời gian
Là chiếc võng em nằm anh ru tình
Là đóa hoa anh hái trộm tặng em thuở ban đầu
Là những giận, hờn, trách móc
Là những chiếc hôn làm lành
Là trái tim anh...
bất tử ... (NDT ) Tôi trích một đoạn trong bài viết của Nguyễn Diệu Tâm.
Và những bài thơ Tâm viết giàu cảm xúc và đầy hình tượng:
NGUYỄN DIỆU TÂM
HOA ĐÀO NĂM CŨ
Năm xưa anh tặng em,
Một nhành đào tươi thắm.
Em trồng trong vườn bên
Cửa sổ phía em nằm.
Anh bảo: em nhớ chăm,
Cây trồng cần có nước.
Nước con gái rửa mặt,
Tưới cây sẽ tốt tươi.
Mùa xuân khi hoa nở,
Là lúc anh sẽ về.
Bâng khuâng lòng em hỏi,
Mấy xuân, sẽ chờ nhau?
Năm tháng trôi qua mau,
Cây đào nay đã lớn,
Bao nhiêu xuân đã về,
Mà người chưa trở lại?
Cô gái ngày đôi mươi,
Nay tóc đã bạc mầu.
Nhành hoa đào năm cũ,
Vẫn chờ người thuở xưa...
NDT
(Viết cho một người đã ra đi mãi mãi)
NGUYỄN DIỆU TÂM
ÁO BAY THEO GIÓ MẤT RỒI
"Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi ...
Qua cầu gió bay"! (*)
Áo bay theo gió mất rồi,
Làm sao tìm lại,
Một người đã xa...
Trăng rằm soi bóng hộ ta,
Nhờ con chim biển
Bay qua hỏi người,
Có ai thấy áo tôi bay?
Tim tôi trong chiếc túi đầy
Tình thơ!
Hẹn nhau năm ấy đến giờ,
Golden Gate vẫn đợi chờ ...
Người đi.
NDT
(San Francisco, 9-2015)
LÂM CẨM ÁI, ÂM THẦM NHƯ SUỐI SÔNG TRÔI CÙNG THƠ
Là cây bút nữ của trang HX và xứ Nẫu mà tôi quý mến sau Tiết Nguyễn.Cô sống và viết rất âm thầm như suối , sông trôi cùng thơ.Gặp nhau vài lần.Tính tôi ít thích tìm hiểu đời tư nên chỉ trao đổi với nhau chút ít tình hình và đời sống ACE văn nghệ Quy Nhơn.Tuy không nói ra nhưng tôi hiểu cô cũng như Nguyễn Tiết ít thích nói về mình.Cho dù khiêm cung đến mấy thơ cô cũng đã thay lời muốn nói:
THƠ LÂM CẨM ÁI
VÔ NGÔN
Như một vết chim di
người qua không lưu dấu
tôi bảo tôi thầm lặng
để nhặt đời đôi khi
đôi khi tôi nhặt được
một khúc buồn đang trôi
lá ngoài sân sám hối
khóc nhớ hoài cố nhân
đôi khi tôi nhặt được
một khúc mưa rã rời
bên đời tôi đứng đợi
bóng một người đi qua
đôi khi tôi nhặt được
trên môi kẻ đan tình
mấy lời như tấm lưới
vương bốn mùa nhân sinh
*
Như giọt sương trên cỏ
hơ hãi câu ru tình
mộng phù vân chín đỏ
tiếng thở dài linh đinh
giọt sương rơi trong đêm
làm sao mà lóng lánh
thôi cứ nằm chỗ lạnh
cuối địa đàng vắng tanh
hồ tịnh tâm chan rãi
giọt sương tan vô thường
trong niềm đau rơm rạ
có trông chờ kiếp mai?!
nếu mộng về hồi sinh
nằm trong lòng sương khói
có bao điều muốn nói
xin hãy là vô ngôn.
LCA
LÂM CẨM ÁI
RONG CHƠI
Đôi khi ta thấy mình
Như một giọt sương tan
Trôi trong chiều vô hạn
Rồi cuốn vào hư không
Đôi khi ta thấy mình
Đang như trong cơn mộng
Trên môi nở nụ hồng
Hôn nhẹ vào đêm thâu
Đôi khi ta thấy mình
Về sông trăng tắm gội
Giữa mênh mông núi đồi
Áo rũ vàng mây trôi
Đôi khi ta thấy mình
Trên cỗ xe chạy quanh
Như cây đàn ngân lạnh
Những tiếng phù du âm
Soi nghiêng trời mặt nước
Soi bóng chẳng thấy hình
Hay ta lại với mình
Cùng về chốn thinh không
Lâm Cẩm Ái
LẮNG NGHE
Lắng nghe
Sỏi đá đang buồn
Rêu xanh chưa phủ
Đã mòn tháng năm
Lắng nghe
Khoảng lặng tình tôi
Ngày chưa nắng ấm
Đông về lạnh câm
Lắng nghe
Chiều xuống thật gần
Từng con phố nhỏ
Chìm dần trong sương
Đừng đi qua phố vội vàng
Hãy chầm chậm bước...
Nghe vang trong hồn
Nghe chiều lộng tiếng hoàng hôn
Nghe mùa đông đến thì thầm trong mưa
Lắng nghe
Sông núi thở dài
Vì ai...
Dâu bể sớm phai nhạc mờ
Buâng khuâng tự hỏi bao giờ
Thuyền trăng cặp bến
Lòng tôi cắm sào
Cho đêm nay đắm
Một thuyền đầy sao !
Lâm Cẩm Ái
NGUYÊN HẠ-LÊ NGUYỄN, NHÂN VẬT ĐỘC ĐÁO CỦA CỰU NỮ SINH TRUNG HỌC QUY NHƠN
Tôi quen Nguyên Hạ Lê Nguyễn từ năm 2010 khi vào trang wed HX.Là nữ sinh trung học Quy Nhơn rồi trở thành cô giáo.Sau năm 75 qua định cư ở Atlanta.Một người nghiên túc nhưng không thiếu chất lãng mạn.Tâm trạng cô ở xứ người là nỗi xót xa của một kẻ lưu đày và luôn nhớ về quê hương, nhất là xứ Nẫu-nơi chôn nhau cắt rún của cô.Đọc nhiều truyện ngắn của cô ta có thể thấu cảm nỗi lòng ấy.Và tôi vẫn thích nhất bài viết của cô về thi sĩ Nguyên Sa :”HÃY BIẾN CUỘC ĐỜI THÀNH NHỮNG TỐI TÂN HÔN” tràn trề cảm xúc khi đắm đuối vào thi ca của tác giả : Áo Nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương/ Anh thêm mức cho vừa màu áo tím.(NS)Tiếc là bài viết quá dài nên tôi không thể đưa lên được.Vậy ai thích ,xin xem tập thơ truyện của tác giả Nguyên Hạ Lê Nguyễn : BÊN DÒNG SÔNG TUỔI NHỎ.Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2010.Thay vào đây là bài Sân Ga Tiễn Biệt.
NGUYÊN HẠ-LÊ NGUYỄN
SÂN GA TIỄN BIỆT
Cái cảm giác đón đưa những người thân về những chuyến đi xa
luôn là nỗi nhớ trong lòng mỗi người, khi mỗi lẫn gợi nhớ cho ta một
cảm xúc lâng lâng khi mỗi lần nhắc đến. cảm xúc luôn dâng tràn trong
tôi ngay từ những ngày còn bé dại…Sân ga và những con tàu đến va đi
trong dĩ vãng….
Sân ga nơi quê nhà của thành phố nơi tôi lớn lên đã cho tôi bao
kỷ niệm của những ngày xưa…
Những ngày tuổi nhỏ được theo mẹ đón đưa những người bà con tận
phương xa về thăm nhà vào những ngày giỗ lớn trong họ tộc, hay những
đám cưới gả trong họ hàng. tôi luôn theo chân mẹ tham gia….và cũng
từng đỏ hoe đôi mắt khi mọi người nói câu giã biệt…Đứa bé trong tôi
ngày ấy cũng biết khóc theo khi thấy cảnh tạ từ….
Những niềm vui hớn hở lúc chờ dưới sân ga khi con tàu vào sân
ga, cái cảm giác tươi vui của đứa bé chạy theo mọi người hóng chuyện,
cười góp cùng mọi người…liếc mắt nhìn những quà cáp của người về từ
xa…và chờ mong một chút quà được phân chia của người mới đến sẻ chia
cho đàn trẻ, niềm vui thật bé nhỏ nhưng đượm nỗi hân hoan của một lần
đón đưa…hay tiễn biệt. chút vui sao của những ngày bé dại…
.Những đón đưa …và tiếng hú của những con tàu luôn gợi nhớ
trong tôi về những ngày xa xưa ấy.
Cũng tại sân ga này của những ngày bắt đầu tuổi mới lớn, cùng bạn
bè rời thành phố đi ứng thí ở những trường xa nhà….Mẹ tôi cũng đưa
tôi ra sân ga, với những bịn rịn và những dặn dò khi đưa tiễn, dù cũng
chỉ năm ba ngày.
Cũng chỉ là một lần xa nhà ngắn ngày nhưng sao mắt mẹ và mắt tôi
vẫn đượm buồn và khi con tàu bắt đầu hú lên những tiếng còi giục
giã…tôi vẫn nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe, mắt tôi đượm buồn cuống quít.
Rồi năm tháng đi qua…sân ga và những con tàu luôn là nỗi nhớ
dậy lên trong suốt cuộc đời tôi của những lần trở về thăm nhà…Khi
tôi trưởng thành và đi lấy chồng xa….niềm nhớ nhung mong đợi trong
tôi lớn dần theo năm tháng.
Vẫn nhớ hoài những lần đưa con về nhà thăm mẹ vào những ngày cuối
năm…Sân ga luôn là nỗi háo hức, một sự mong chờ dõi mắt, khi con tàu
giảm tốc độ khi tiến vào sân ga…nỗi vui mừng òa vỡ trong tôi, qua
mắt nhìn dò kiếm những người thân…cố chen nhau ra khỏi toa tàu …và
được ôm mẹ ngọt ngào trong vòng tay ấm …: Mẹ ơi , con đã trở về….
Kia rồi, mẹ tôi, chị tôi, em tôi, và những đứa cháu nhỏ …hình
ảnh của tôi ngày xưa…hình ảnh gợi nhớ một thời bé dại…luôn là sự
háo hức trong tôi trong những lần trở về thăm mái nhà xưa mà tôi luôn
nhớ về trong suốt cuộc đời xuôi ngược, tháng năm trôi trong sự xa cách
mỏi mòn nỗi nhớ nhà.
++++
Bây giờ…những lần trở về thăm nhà của tôi không tính bằng đơn
vị tháng của mỗi năm mà là từng bao nhiêu năm của từng thập kỷ.
Từ lúc mẹ tôi lên chuyến tàu đêm rời thành phố Quy nhơn vào
Saigon tiễn gia đình tôi lên sân bay quốc tế TSN….đông đúc những
người đưa tiễn , với quần là áo lượt. và hoạt náo những thanh âm, lần
ấy tôi đã đi một chuyến thật xa…hết nửa vòng trái đất.
.Buổi tiễn đưa lớn nhất trong cuộc đời mà tôi còn nhớ mãi…thay
đổi cả vận số một đời tôi…
Đứa bé nhà quê theo mẹ trên sân ga ngày nào…
Thiếu nữ tỉnh lẻ ngày nào dắt díu đám con thơ về thăm mẹ vào
những ngày giáp tết…
…Và bây giờ….Một người già vọng nhớ quê xưa , một lữ khách
xa nhà…trở lại với quê hương ….
Ngày ấy mẹ tôi đáp chuyến tàu nhanh vào Saigon đưa tiễn chúng
tôi rời đất nước ra đi, nhưng … lần ấy mẹ tôi lại không ra sân bay
đưa tiễn chúng tôi, người chỉ vào với chúng tôi trước một tuần, nấu
cho chúng tôi những món ăn ngon mà các con và tôi ưa thích, chuẩn bị
vật dụng và vài món cho các con tôi mang theo bằng tất cả tấm lòng của
mẹ…Rồi mẹ tôi nấp sau cánh cửa lúc cả nhà tôi lên xe.
Trên sân bay với đông nghịt những người đưa tiễn, nhưng tôi vẫn
thấy thiêu thiếu hình bóng thân thương của mẹ.
Tôi dõi tìm lần cuối trước khi bước vào phòng kính mà người ta gọi
là “phòng cách ly” …khi đã bước vào đây là tất cả sẽ xa lìa mọi sinh
hoạt bên ngoài và xa cách muôn trùng khi phi cơ cất cánh…
.Giã biệt đất nước, giã từ quê hương, giã từ những người thân và
giã từ hình ảnh thân thương của mẹ tôi.
Có lẽ giây phút này mẹ tôi đang ngồi một mình trong căn nhà nhỏ,
với những giọt nước mắt nhỏ thầm xuống bàn tay run vì nhớ thương con
cháu, khóc thầm trong niềm vui và nỗi buồn xa cách cho một lần biệt ly
mà không đưa tiễn….
Những lần tôi trở vể thăm quê nhà không có bóng dáng mẹ tôi đón
đưa hay tiễn biệt vì tuổi già và bệnh tật…
Những lần sau nữa của những chuyến về thăm quê… khi mẹ đã
không còn., một mất mác lớn nhất trong cuộc đời và tất cả những gì
thuộc về người chỉ còn là kỷ niệm.
.Niềm vui và nỗi háo hức trong tôi không như xưa với nỗi chờ
mong mỏi mắt.. khi trở về nhà không còn thấy bóng mẹ…mà chỉ còn thẫn
thờ thắp mấy tuần nhang và viếng mẹ với những cánh hoa vô hồn nơi
nghĩa trang Ghềnh Ráng.
.Sân ga và những con tàu chợt đến chợt đi….như những thay đổi
của những lần trở lại, vẫn thoáng buồn và không mang cho tôi những
xúc cảm ấm nồng…chỉ là sự bàng hoàng khi con tàu vào bến với những
con đường mới mở, những bảng hiệu mới sơn và nhũng bạn bè xưa cũ không
còn, và nhất là những người thân yêu nhất của tôi cũng đã lìa xa…
Bao năm qua… Khi bước chân tôi trở về hay ra đi…không còn
nhìn thấy hai con mắt đỏ, và những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống của
mắt mẹ thân yêu….
Bây giờ nơi chốn này đã là quê hương thứ hai mà tôi đã
nhận….sân ga ngày xưa đượic thay thế bằng sân bay lớn rộng, những
con đường lái xe vào sân bay muôn trùng và rộng thênh thang, chỉ cần
ra khỏi một lane là đi ra một con phố xa lạ không quen….không gần
gũi như sân ga ngày ấy.
Tôi cũng đã từng bao lần tiễn đưa người thân trên sân bay này và
bây giờ cũng trở thành quen thuộc như sân ga ngày xưa của quê tôi….
Những lần tiễn đưa ở đây, tôi cố tìm ở những người đến đây đưa
tiễn nhau….Chưa mấy khi tôi nhìn thấy những giọt nước mắt khi chia
tay, chưa mấy lần tôi nhìn thấy đôi con mắt đỏ…
Những con người khác màu da và chủng tộc có trên sân bay này ,
họ luôn vội vàng và nhanh nhẹn , những bước chân dài hối hả, những
vòng tay ôm mạnh mẽ và những nụ hôn bình yên khi gặp gỡ cũng như lúc
chia xa…ở đó tôi không thấy biểu hiện những xúc cảm như của những
con người đằm thắm quê tôi, vẫn từng cho nhau những giọt nước mắt khi
chia xa…và nỗi hân hoan tột cùng trong niềm vui hội ngộ.
Thời gian này….cứ hai , ba tuần…tôi lại ra sân bay đón
anh…rồi mấy ngày sau lại đưa anh ra sân bay trở về nơi anh ở….
Chúng tôi cũng chỉ tiễn nhau như những người dân bản xứ..
.Tôi ngừng xe cặp mé hành lang sân bay, xe chậm ngừng rồi anh
bước xuống, hôn giã từ rồi vẫy tay nhau…tiễn biệt, hẹn lại một lần
sau, không đỏ hoe con mắt ướt, không lau vội chéo khăn vuông…
.Bánh xe lăn …đưa tôi một mình thả hồn vào những sắp xếp của
công việc tiếp nối….sân bay và những lần đón đưa tiễn biệt …chỉ
còn lại trong tôi chút nhớ nhung nhẹ nhàng…
Rồi những lần đón bước chân anh trở lại. thành phố cũ thăm tôi.
Tôi không ngừng xe trước sân bay chờ anh…lãng mạn hơn….và để
được nhìn thấy mọi người mừng vui khi hội ngộ…Họ trao nhau những nụ
hôn, họ ôm nhau thắm thiết…
Tôi lái xe đến sớm, đậu vào một chỗ thật bình yên và an toàn, đếm
những bước chân thật thong thả vào lối ra của hành khách xuống máy
bay…hòa vào đám đông chờ người thân trở lại….
Tôi lục tìm trong ký ức cái ảo giác của những lần chờ đón của
ngày xưa nơi sân ga cũ….
Cảm giác ấy thật khác xưa…Anh đến kia rồi…hòa vào đám người
bước vội trên sân sân bay, luôn với nụ cười rạng rỡ và tròn trịa trên
môi anh và cả môi tôi… bó hoa luôn trên tay để tặng tôi …và vòng
tay ôm mạnh mẽ..
.
Tuyệt nhiên không chứa chan giọt lệ hay con mắt ướt dõi buồn khi
đưa tiễn….
Sân ga của ngày xưa và sân bay của buổi bây giờ…
Những đón đưa…tiễn biệt…trong cuộc đời….cũng vẫn là những
kỷ niệm khó quên
Luôn còn mãi trong tâm hồn tôi …sân ga và những lần tiễn biệt.
NHLN
Atlanta June 10th.2012
Thơ NGUYÊN HẠ Lê NGUYỄN
LÁ SẦU
Bàn tay
mười ngón tiêu hao
Bờ môi
mặn đắng nuốt vào nỗi đau
Làm sao
níu kéo đời nhau
Hồn hoang
chín nửa -lá sầu xanh xao…
Bàn chân
mười ngón lao đao
Bướcđi
xiêu đổ lần về cõi mê
Bao giờ
thân xác tìm về
Cõi mê
mục nát- tiêu hao lá sầu…
NHLN
Nguyên Hạ Lê Nguyễn là một người trực tính dù lãng mạn trong thơ ca nhưng ngoài đời cô rất nghiêm túc.Khi biết tôi quen một người mà cô biết rõ lai lịch đã nói với tôi: “Anh nên chấm dứt quan hệ với người ấy vì em biết rõ tính tình.Nếu cần em sẽ về SG cưới vợ cho anh” Qua tìm hiểu tôi biết lời khuyên của cô là chân tình.Và tôi đã cảm ơn.Hai năm sau: 2012 lúc cô về ra mắt người chồng sau, NHLN đã gặp tôi và bạn bè SG.Khi sắp tàn tiệc cô đã vịn vai tôi thì thầm:”Em thấy anh làm thơ cho nhiều người.Vậy sao chẳng thấy bài nào cho em? Tôi trả lời:”Tại anh chưa có cảm xúc.Khi nào có anh sẽ viết” Sau đó chia tay để cô về thăm cố hương Quy Nhơn trước khi qua lại Atlanta.
Ba năm sau, tức là 2014.Một buổi chiều mưa nơi căn nhà nhỏ một mình.Đốt điếu thuốc cuối cùng của gói Con Mèo còn bao thuốc và tờ giấy bạc.Phút linh lại về và tôi đã viết lên đó bài thơ: Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá.Dù chỉ là bạn văn nghệ, là anh em chưa có một lần nào yêu thương nhưng bài thơ là một lời cảm ơn ngườ đã quý mến mình.Sau đó tôi có gửi bài thơ cho NHLN qua E-mail.Cô rất cảm động.Thi ca là thế.Chỉ một chút bụi nhỏ cũng hóa nên hòn núi lớn.Và bài thơ đã có mặt trong tập thơ thứ 3 của tôi:Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá xuất bản năm 2014:
THƠ TRẦN DZẠ LỮ
THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ
Anh viết bài thơ trên bao thuốc lá
Lời muộn mằn khi biết...thương em
Rất nhiều năm cố tình làm khách lạ
Sợ nói ra...hai đứa sẽ buồn!
Thà cứ như là bể là rừng
Để nỗi nhớ liêu xiêu hai đầu cách trở
Có nhiều đêm khi trời trở gió
Anh lặng thầm gọi khẽ tên em...
Khi biết yêu em, anh lại không gần
Bởi cuộc đời đã chia ngăn đôi lứa
Em lớ quớ mang vầng trăng đi mất
Có nghĩa là...em không thuộc về anh!
Anh quẩn quanh với mớ thơ tình
Để tận khuya đấm ngực mình tự hỏi:
-Sao không chờ anh ? Sao em quá vội?
Thả nỗi sầu Kim trọng xuống tim anh !
Kiều đã đi với giấc mộng lành
Anh nuốt vội miếng Xuân nơi cố xứ
Thôi em nhỉ ! Tình thơ này nghiêng ngửa
Thì sá gì cơm áo kiếp phù sinh...
Mấy năm rồi tôi không còn liên lạc được với Nguyên Hạ Lê Nguyễn dù có mấy lần Email.Không biết cuộc sống cô thế nào? Người chồng sau tôi đã gặp cũng hiền lành.Biết hạnh phúc cô dài lâu ? Nói cho cùng thì người đàn bà VN lúc nào cũng cam chịu và thiệt thòi…Thời bây giờ họ càng khổ hơn nữa vì vừa đi làm kiếm sống, vừa nội trợ và chu đáo việc nhà.Hạnh phúc thật là mỏng manh giữa cuộc vô thường thế gian.Dù cho thế nào tôi cũng cầu mong người em gái ấy( NHLN) vượt qua được giông bão cuộc đời để thắp nến bình yên, soi gương chính mình cuối chót…
11033
Tel: 714 982-6979
(con gái Trần Yên Hòa, gia đình H.O)
Trân Trọng Kính Mời
Quý độc giả và thân hữu (vùng Orange
Thanks